30 TẾT

Nhắc đến Tết, ai trong chúng ta cũng sẽ có hàng tá câu chuyện để kể. Tết là khoảng thời gian ngoảnh đầu nhìn lại 1 năm cũ đã qua và nói lời chào tạm biệt với những điều gọi là quá khứ, có thể là một năm thành công và đáng nhớ với người này nhưng cũng có thể là một năm đầy thăng trầm, vất vả mưu sinh của những người khác. Nhưng dẫu thế nào, Tết vẫn là thời điểm đáng mong chờ vì Tết là sum vầy, là đoàn tụ, là hi vọng cho những khởi đầu mới.

Với những đứa trẻ con, Tết chưa bao giờ là hết vui, là hết háo hức mong chờ cả. Vì cứ vào dịp này, chúng lại được xúng xính quần áo đẹp, được bố mẹ cho đi chơi nhiều nơi, được nhận những phong bì lì xì và cả những lời gửi gắm tốt đẹp mà người lớn dành cho chúng. 

Còn với tôi hay đa số những bạn trẻ ngày nay, Tết dần không còn quá vui nữa. Bởi cuộc sống thay đổi hay lòng chúng tôi dần đổi thay. Không còn mong chờ đến 3 mùng của Tết để được bay nhảy, tung tăng nữa mà dường như lại muốn nghỉ ngơi, yên tĩnh nhiều hơn. Tết với chúng tôi có lẽ đến sớm hơn, đến từ là những ngày trước khi bước sang năm mới, bởi lẽ  không khí những ngày này cho chúng tôi cơ hội được trở về với tuổi thơ vô ưu vô lo, trở về đoàn tụ với ông bà, cha mẹ, được sống lại với cái Tết của những cô bé, cậu bé. Tết đến sớm hơn cũng vì thế mà hết sớm hơn, hết vào đêm 30 Tết.

Mọi người vẫn có câu 30 chưa phải là Tết. Nhưng lớn lên rồi bạn dường như sẽ nhận ra rằng 30 là hết Tết. Nghĩ cũng thật kì, nhưng hình như cuộc sống hiện tại dần thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Vì trước 30, mọi người rôm rả, tất bật chuẩn bị đủ thứ thứ nào là dọn dẹp , trang trí nhà cửa, sắm sửa cho gia đình. Đây là thời gian dành cho các mẹ các dì thi nhau hội chợ, mua sắm từ hoa quả, trái cây, thịt rượu đến bánh kẹo, quần áo mới. Khắp các con phố nẻo đường của cái xóm nhỏ, người ta giăng đầy quần áo, mền mùng, khăn bàn này nọ, rồi cả củ kiệu, dưa hành. Cứ nhìn là đã thấy xốn xang trong lòng. Rồi thì nhà này mổ lợn, nhà kia canh nồi bánh tét, bánh tổ, tiếng gọi nhau í ới, hỏi thăm rộn ràng cả một vùng quê. Đến 30 Tết thì mọi thứ gần như đã hoàn tất. Nhà nhà cúng kiếng xong, rước ông bà về ăn Tết cùng gia đình. Nhà cửa ai nấy đều dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ vì mọi người quan niệm rằng năm mới thì phải mới phải sạch, họ gửi gắm hi vọng vào đó, hi vọng một năm mới sẽ tốt hơn, sáng lạng hơn. Và rồi đến đêm 30 Tết hay còn gọi là Giao thừa, mọi thứ trùng xuống hẳn, giây phút này là khoảng lặng cho mọi người cùng lắng lại, nghĩ về 1 năm đã qua với những niềm vui và cả những nuối tiếc, nhưng ai nấy cũng kịp bình tâm trở lại, bỏ hết những nỗi buồn,những lo toan, vất vả đời thường, cùng sum họp bên gia đình yêu thương để cầu chúc cho một năm mới đang đến nhiều bình an và hạnh phúc hơn. Sau 30 Tết, các Mùng qua thật nhanh và rồi mọi người lại trở về với cuộc sống tất bật thường ngày, cứ thế một năm với bao thử thách, bao hoài bão, ước mơ lại tiếp diễn.

Dẫu có thế nào đi nữa, dẫu Tết có không còn rộn ràng, nhiều màu như ngày xưa nữa thì Tết vẫn đáng mong chờ vì Tết là đoàn viên.

 

“Tết đến thì về nhà để nhận lấy đoàn viên, an yên. 

Giống như loài chim, cứ chiều tà là về nhà, về tổ.”

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận