Giới thiệu đèn lồng Hội An
Đèn lồng xuất hiện tại Hội An từ khá lâu. Đó là vào khoảng cuối thế kỷ 16 khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để giao thương lập nghiệp và định cư lâu dài. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có hơn 400 năm tuổi.
Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An – di sản văn hóa thế giới. Đèn lồng là nét văn hóa tiêu biểu của Hội An, vì vậy khách du lịch đến đây ai cũng muốn sở hữu riêng cho mình những chiếc lồng đèn xinh xắn như một kỉ vật gợi nhớ về mảnh đất đầy chất thơ và cũng ấm áp nghĩa tình này.
Đến với Hội An, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc đèn lồng đầy màu sắc xuất hiện mọi ngóc ngách dù là nhỏ nhất của nơi này, trong nhà, trên ban công, trên cây, giăng khắp đường….Chính điều ấn tượng này đã ghi dấu trong lòng khách thập phương nhớ đến Hội An là sẽ nghĩ ngay đến lồng đèn Hội An. Vì vậy, Hội An có vô số các cửa hàng bày bán đèn lồng làm kỷ niệm cũng như những xưởng sản xuất lồng đèn gia truyền.
Đặc biệt nhất là những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ trưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự. Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.
Đèn lồng Hội An khá đa dạng về mẫu mã, hình dáng cũng như màu sắc, nào là đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù…Ngoài ra còn có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá. Tùy theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Đó có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh dịu ngọt.
Quy trình làm đèn lồng cũng khá công phu và đòi hỏi sự tần mẫn và khéo léo của những người thợ.
Tre trước tiên phải được ngâm kĩ 10 ngày bằng nước muối để tránh mối mọt, sau đó phơi khô, được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu sau đó được kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng.
Loại vải bọc đèn thường được sử dụng là vải phi hoặc vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai để khi căng ra không bị rách. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó được bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt tỉa sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ.
Ngày nay, dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làm lồng đèn, đèn lồng Hội An ngày càng thu hút khách du lịch bởi sự sáng tạo độc đáo trong cách tạo hình cũng như những hình ảnh sinh động được khắc họa trên mặt đèn. Những họa tiết mang đậm dấu ấn Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung như hoa sen, cành đào, bông mai, cô gái Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài, hay những nét tinh nghịch trong cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân thôn quê nào là em bé chăn trâu, đàn trẻ chạy nhảy thả diều…., điều này làm cho giá trị của chiếc đèn lồng càng được tôn vinh.